Phong thủy Lạc Việt

Kiến thức phong thủy

Giải mã tranh lợn âm dương cực thú vị (Chuyên gia phong thuỷ)

Phong thuỷ gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh (bút danh Thiên Sứ) đã giải mã tính triết lý vô cùng sâu sắc trong bức tranh đàn lợn âm dương của làng tranh Đông Hồ như thế nào. Hãy cùng chúng tôi khám phá. 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng học qua câu thơ:

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

Thế nhưng, có mấy ai biết được rằng, bức tranh Đông Hồ đàn lợn là sự trải nghiệm triết lý về Âm Dương ngũ hành, được hiện thực qua đời sống văn hóa dân gian.

Trong Thiên bàn của Lý học cổ Đông phương, mà nền tảng là thuyết Âm Dương Ngũ hành, chia mặt phẳng biểu kiến của vũ trụ thành 360 độ. Và chia làm tám phương, mỗi phương 45 độ. Mỗi phương lại chia làm ba sơn, mỗi sơn 15 độ. Dù theo lấy Hà đồ, hay Lạc thư làm căn bản thì Tây Bắc và Bắc vẫn nằm trong hành Thủy. Và ba sơn Tây Bắc lần lượt có tên gọi là: Tuất – Càn – Hợi. Trong đó quái Càn – một trong Bát quái – nằm chính Tây Bắc.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, trong 12 con giáp của Lý học cổ Đông phương thì sơn Hợi biểu tượng là heo, lợn, thuộc hành Thủy có độ số 1 – 6. Ứng với câu khẩu quyết được công bố vào đời Tống thì "Thiên Nhất sinh Thủy. Địa lục thành chi". Chúng ta cũng nhận thấy trong bức tranh dân gian con lợn của làng tranh Đông Hồ có đúng 6 con lợn. Con lợn mẹ (Dương trước) ứng với câu Thiên Nhất, 5 lợn con cộng với lợn mẹ ra đúng số lượng 6.
Tranh đá đàn lợn đông hồ
Vào những ngày tết nguyên đán bức tranh này là một trong những bức tranh được ưa thích mà trẻ em Lạc Việt được cha mẹ mua về dán trên tường cho vui cửa vui nhà.

Một con lợn mẹ béo núc níc với đàn lợn con mũm mĩm như ước mơ cho sự phú túc và nhàn tản, bức tranh như một lời chúc lành cho một năm mới tốt đẹp, đã lưu truyền không biết bao đời trong văn hoá dân gian Việt Nam.

Trong bức tranh dân gian này một hình tượng dễ nhận thấy là vòng tròn âm dương trên mình những con lợn. Hình tượng này như muốn nhắc nhở cho người xem tranh một nội dung tiềm ẩn liên quan tới một học thuật cổ phương đông, cho đến nay vẫn được coi là sự huyền bí kỳ ảo. Chính vòng tròn âm dươnghình tượng con lợn đã chứng tỏ một nội dung liên quan chặt chẽ đến thuyết âm dương ngũ hành. Đây là một hiện tượng để bắt đầu từ đó chúng ta đi tìm ý nghĩa minh triết của bức tranh này.

Đến đây thì chuyên gia cũng có lưu ý rằng: trong văn bản cổ trước thời Hán nếu nói đến âm dương thì không nói đến ngũ hành cho đến tận ngày nay các nhà nghiên cứu cũng cho rằng thuyết âm dương và thuyết ngũ hành là hai học thuyết có xuất sứ riêng biệt, được nhập vào từ thời Hán.

Tuy nhiên, họ cũng chỉ đặt vấn đề như trên và chưa chứng minh được học thuyết Âm dương và Ngũ hành hoà nhập như thế nào. Ngoại trừ một thực tế ứng dụng phương pháp luận thuyết âm dương ngũ hành đang tồn tại. Chuyên gia cho rằng không thể chứng minh được sự hoà nhập của thuyết âm dương ngũ hành qua những văn bản cổ chữ Hán. Bởi vì, những văn bản đó đã sai lầm từ căn để của học thuyết này.

Do đó, việc giải mã tranh đàn lợn sẽ là sự chứng minh tiếp tục quan niệm cho rằng thuyết âm dương ngũ hành là một học thuyết thống nhất và hoàn chỉnh ngay từ nguyên lý khởi nguyên của nó, sẽ chứng tỏ tiếp tục nền văn minh lạc Việt chính là cội nguồn của học thuyết này.

Hình hà đồ cửu cung
Hình Hà đồ cửu cung

Qua đồ hình trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng:

Hành Thuỷ - phương bắc có độ số 1 và 6 trong sách xưa nhất là “Hoàng đế nội kinh tố vấn” thiên kim quỷ chân ngôn luận nói về bắc phương như sau:

Bắc phương sắc đen thông vào với thận thông khiếu ở nhị âm tàn tinh ở thận bệnh phát sinh ở khê về vị là nặng và thuộc về thuỷ, thuộc về lục súc là lợn, thuộc về ngũ cốc là đâu, thuộc về bốn mùa trên ứng với sao Thần thuộc về âm là Vũ thuộc về số là số 6, thuộc về mùi là mùi húc mục.

Do đó biết thường sinh bệnh ở xương. Như vậy hiện tượng trùng khớp đáng chú ý là hình tượng con lợn trong tranh dân gian Việt Nam liên hệ với một văn bản chữ hán cổ nhất liên quan đến thuyết âm dương ngũ hành, cụ thể là Lợn thuộc hành thuỷ. Nếu đây chỉ là một hiện tượng duy nhất thì bạn đọc có thể coi là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng vấn đề không dừng lại ở đây, trong các sách đã xuất bản của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh, từ câu tục ngữ “mẹ tròn con vuông”, tác giả đã chứng tỏ với bạn đọc dương có trước âm có sau, bạn đọc xem lại độ số Hà đồ ở trên sẽ nhận thấy rằng: hành thuỷ và mộc 2 hành thuộc âm các số dương (số lẻ) khi cộng với 5 đều ra số âm số chẵn cùng hành. Ở hai hành hoả và kim hành thuộc dương các số dương đều trừ 5 ra số dương cùng hành, điều này được diễn tả như sau:

Hai hành thuộc âm là Thuỷ và Mộc:

  • Hành Thuỷ: số dương 1 + 5 thành âm thuỷ, độ số 6
  • Hành Mộc: số dương 3 + 5 thành âm mộc, độ số 8

Hai hành thuộc dương hoả và kim:

  • Hành Hoả: số dương 7 - 5 thành âm hoả, độ số 2
  • Hành Kim: số dương 9 - 5 thành âm kim độ số 4

So sánh với tranh đàn lợn chúng ta thấy một sự trùng khớp nữa có đúng 6 con lợn trên tranh.

Qua hình tượng bánh chưng bánh dầy chuyên gia đã chứng minh rằng: ngũ hành thuộc âm, thuộc nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành.

  • Trong tranh có 1 lợn mẹ, cái có trước (dương) tương ứng với số dương thuỷ 1.
  • 5 con lợn con + 1 bằng 6 đây chính là nguyên nhân để không thể là 6 con lợn con mà chỉ có 5 lợn con. Bởi vì nếu 6 lợn con thì âm thuỷ 6 sẽ là sự phân biệt tuyệt đối với dương thuỷ 1.

Điều này sẽ trái ngược với nguyên lý ngũ hành thuộc âm động trong nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ. Số lượng mẹ (= 1) và lợn con (= 5) đã chứng tỏ rằng sự phân biệt âm dương trong ngũ hành là sự chuyển hoá liên tục khi đạt đến độ số tối đa 6 thì chuyển hoá sang hành khác.

Hình tượng lợn mẹ và lợn con tức cùng giống cũng chứng tỏ rằng quẻ Càn trong Kinh Dịch nằm ở vị trí âm thuỷ, cho dù bạn đặt hậu thiên bát quái với Hà Đồ hay Lạc Thư thì tính chất này vẫn không đổi ở hành thuỷ phải cùng hành với quẻ Khảm. Đây là sự minh chứng tiếp tục của quan niệm cho rằng: âm dương ngũ hành là một học thuyết thống nhất và hoàn chỉnh. Bát quái chỉ là ký hiệu siêu công thức của học thuyết này.

Chính bức tranh đàn lợn trong văn hoá dân gian Việt Nam đã chứng tỏ điều này. Khi dấu ấn của âm dương và độ số của hành Thuỷ thể hiện trong bức tranh này. Không những thế tranh đàn lợn còn chứng tỏ nguyên lý trong sự vận động của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành mà cổ thư chữ hán chưa hề nói đến cách đây 1000 năm.

Nhà hiền triết thời Tống bên Tàu là Chu Hy công bố nguyên lý “Thiên nhất sinh thuỷ, địa lục thành chi” mới chỉ nói đến hiện tượng độ số của ngũ hành trên Hà Đồ và ông cũng không thể lý giải được nội dung của chính điều mà ông công bố.

Thật trân trọng và đáng quý thay những nghệ nhân dân gian Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn trung thành với nguyên tắc của tổ tiên để hàng ngàn năm sau đó con cháu tìm về cội nguồn và minh chứng cho một nền văn hiến trải 5000 năm lịch sử.

Bài viết khác